[Ngữ văn 8] Phân tích tác phẩm Tôi đi học – Thanh Tịnh hay nhất

Tác phẩm Tôi đi học – chương trình Ngữ văn lớp 8 trích từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Thanh Tịnh. Tác phẩm nằm trong tập Quê mẹ (1941), ghi lại những cảm xúc trong trẻo, ngây thơ của nhân vật tôi trong ngày đầu tiên đến trường.

Tác giả Thanh Tịnh – Tôi đi học

Tiểu sử

Thanh Tịnh (1911-1988), tên khai sinh là Trần Văn Ninh quê ở xóm Gia Lạc, ven sông Hương, ngoại ô thành phố Huế. Ông là một nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến.

Ông theo học chữ Hán từ thuở nhỏ, đến năm mười một tuổi thì bắt đầu theo học chữ Quốc ngữ tại trường tiểu học Đông Ba và trung học (trường Pellerin của giáo hội Thiên Chúa giáo) ở Huế.

Năm 1933, dưới thời Pháp thuộc ông đỗ bằng thành chung và đi làm ở các sở tư sau đó chuyển sang nghề dạy học. Cũng tại thời điểm này ông bắt đầu sáng tác thơ, viết văn và cộng tác với các tòa soạn báo có tiếng lúc bấy giờ như Phong hóa, Ngày nay, Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ Năm, Thanh Nghị, Tinh Hoa.

Sự nghiệp văn học

Thanh Tịnh được người đọc yêu mến qua thơ và truyện ngắn. Trước 1945, thơ ông mang phong cách lãng mạn đậm nét. Trong những bài tiêu biểu như Tơ trời với tơ lòng, Vì đàn câm tiếng, Muôn bến, Rồi một hôm… đều mượt mà, tinh tế, hàm súc nhưng hơi buồn và in rõ dấu ấn bâng khuâng, thơ mộng của truyền thống văn hóa, tinh thần xứ Huế.

Sau 1945, trong kháng chiến, Thanh Tịnh đã khai sinh ra hình thức độc tấu. Nó thường là một bài văn ngắn, có tính chất tự sự, hoặc là đề cập đến những vấn đề thời sự và xã hội. Ngôn ngữ của tấu thường giản dị pha chút dí dỏm. Cách diễn đạt thường là nói.

Tác phẩm Tôi đi học

Bố cục văn bản Tôi đi học

– Phần 1 (Từ đầu văn bản đến  lướt ngang trên ngọn núi): Tâm trạng, cảm xúc của nhân vật “tôi” trên đường từ nhà tới trường.

– Phần 2 (Từ tiếp cho đến xa nhà hay xa mẹ tôi chút nào hết): Tâm trạng cảm xúc của nhân vật khi đứng trước sân trường.

– Phần 3 (Còn lại): Dòng tâm trạng, cảm xúc của nhân vật tôi khi bước vào lớp học và bắt đầu tiết học mới.

Giá trị nội dung văn bản Tôi đi học

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, kỉ niệm trong sáng của tuổi học trò, nhất là buổi tựu trường đầu tiên thường được ghi nhớ mãi. Thanh Tịnh đã diễn tả tinh tế cảm xúc này qua dòng cảm nghĩ trong trẻo của nhân vật “tôi” về những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học

Giá trị nghệ thuật của văn bản Tôi đi học

– Tình huống truyện độc đáo: ngày đầu tiên đi học.

– Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các phương thức: tự sự, miêu tả và biểu cảm.

– Truyện cấu tạo theo dòng hồi tưởng: từ hiện tại nhớ về quá khứ.

– Hình ảnh được miêu tả đặc sắc, giàu sức gợi hình, gợi cảm.

– Giọng điệu trữ tình, trong sáng.

– Sử dụng ngôn ngữ giàu yếu tố biểu cảm, hình ảnh so sánh độc đáo ghi lại dòng liên tưởng, hồi tưởng của nhân vật tôi.

Tóm tắt tác phẩm Tôi đi học

Tác giả Thanh Tịnh vẫn còn nhớ như in ngày đầu tiên đến trường. Đó là một buổi sáng mùa thu, lá rụng nhiều, tiết trời se lạnh. Con đường đến trường đối với chú bé ấy vốn đỗi quen thuộc bỗng dưng trở nên lạ lẫm. Trong khoảnh khắc vui sướng pha lẫn hồi hộp, e dè, chú bé có những ý nghĩ thật non nớt và ngây thơ: “Chắc chỉ có người thạo mới cầm nổi bút thước”.

Trong bộ quần áo mới, tác giả Thanh Tịnh càng “thấy mình trang trọng và đứng đắn” hơn, những suy nghĩ nhẹ nhàng lướt qua như làn mây trắng xốp bồng bềnh. Lúc tới trường, nghe ba hồi trống, lòng chú bé lo sợ vẩn vơ, sợ những điều mới lạ và khó khăn trước mắt. Những lời nói của ông đốc ấm áp vang lên, khuyến khích những chú chim non vào lớp. Nhân vật tôi trong phút chốc đã òa khóc, nhưng người mẹ đã nhẹ nhàng giúp con vào lớp.

Những lo sợ vẩn vơ khi tiếng trống trường cất lên đã nhường chỗ cho sự háo hức và cảm giác thân thuộc “hay hay” khi cậu bé bước vào lớp học, nhìn ngắm bàn ghế, những thứ treo trên tường và cậu bạn nhỏ ngồi bên cạnh mình. Buổi học đầu tiên đã bắt đầu với bài tập viết “Tôi đi học”.

Phân tích tác phẩm Tôi đi học

Phân tích tác phẩm Tôi đi học thuộc chương trình Ngữ văn 8 dựa trên những chuyển biến cảm xúc của nhân vật trữ tình tôi – chủ thể của tác phẩm Tôi đi học. Cụ thể:

Cơ sở để nhân vật tôi có những liên tưởng về ngày đầu tiên đi học của mình

– Biến chuyển của cảnh vật sang thu: Cuối thu, thời điểm tựu trường, cảnh thiên nhiên với lá rụng nhiều, mây bàng bạc khiến lòng người nhẹ nhàng mà bồi hồi nhớ lại

– Hình ảnh những em bé núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường,…

⇒ gợi nhớ đến chính bản thân mình, đây là trạng thái liên tưởng tương đồng vô cùng tự nhiên của con người. Ý nói tác giả chỉ là chợt nhớ lại chứ không hề có ý định sẽ nhớ, đó là một thứ cảm xúc vô tình đến nhưng cũng vô cùng sâu sắc.

Những hồi tưởng của nhân vật tôi

a. Tâm trạng khi cùng mẹ đi trên đường đến trường

– Cảnh vật, con đường vốn rất quen nhưng lần này cảm thấy lạ.

– Tự cảm thấy có sự thay đổi lớn trong lòng mình, cảm thấy trang trọng, đứng đắn hơn.

– Bỡ ngỡ, lúng túng

⇒ Tác giả sư dụng những từ ngữ gợi tả, nghệ thuật so sánh, chọn lọc chi tiết tiêu biểu, cụ thể. Từ đó làm bật lên tâm trạng bỡ ngỡ của “tôi” trong buổi tựu trường đầu tiên: vừa háo hức vui mừng, nhưng cũng lo sợ, lúng túng.

b. Khi đứng giữa sân trường và nghe gọi tên vào lớp học

– Không khí của ngày hội tựu trường: náo nức, vui vẻ nhưng cũng rất trang trọng.

– Cảm thấy nhỏ bé so với trường, lo sợ vẩn vơ.

– Hồi hộp, lo sợ chờ nghe gọi tên mình.

– Khi sắp vào lớp học thì lo sợ, bật khóc

⇒ Diễn tả sinh động tâm trạng của nhân vật “tôi” với từng cung bậc, cảm xúc, có nhiều trạng thái cảm xúc đối lập, tâm trạng phức tạp. Đây thực sự là diễn biến tâm lý của một đứa bé 6 tuổi lần đầu bước chân đến với ngưỡng cửa gọi là: lần đầu tiên đi học, lần đầu tiên tựu trường.

c. Khi ngồi trong lớp học

– Cảm thấy vừa xa lạ, vừa gần gũi với mọi vật, với người bạn ngồi bên …

+ Làm quen, tìm hiểu phòng học, bàn ghế, … ⇒ thấy quyến luyến.

⇒ Tâm trạng, cảm giác của nhân vật “tôi” khi ngồi trong lớp học, đón nhận giờ học đầu tiên tự nhiên, sinh động, hấp dẫn. Bỏ qua tất cả những lo lắng khi trước thì giờ đây, nhân vật đã trở lại với đúng bản chất của một đứa bé: hiếu kì và hào hứng với mọi thứ xung quanh, vô cùng mong đợi vào cuộc hành trình phía trước.

Hình ảnh những người lớn

– Ông đốc: hình ảnh một người thầy, một người lãnh đạo rất hiểu tâm lý trẻ, hiền từ, bao dung.

– Thầy giáo: trẻ vui vẻ, giàu lòng yêu thương.

⇒ Thể hiện rõ trách nhiệm, tấm lòng của gia đình, nhà trường đối với thế hệ trẻ, đồng thời tạo môi trường giáo dục thân thiện, là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn các em. Tác giả vô cùng sâu sắc khi diễn tả những chi tiết này, tuy nhỏ nhưng hiệu ứng mang lại là vô cùng to lớn. Ý nói, tất cả mọi người, từ gia đình đến nhà trường đều tạo điều kiện tốt nhất để các em tiếp nhận sự đẹp đẽ của giáo dục.

⇒ Truyện kết thúc tự nhiên, khép lại bài văn nhưng mở ra một bầu trời mới, một khoảng không gian mới, tình cảm mới, hứa hẹn một tương lai tươi sáng, một môi trường phát triển lành mạnh, tốt đẹp cho các em.

Gợi ý mở bài và kết bài phân tích tác phẩm Tôi đi học

Mở bài

Bài 1

Tôi đi học là truyện ngắn của nhà văn Thanh Tịnh, in trong tập Quê mẹ và được xuất bản năm 1941. Đây là một truyện ngắn thể hiện rất đầy đủ phong cách sáng tác của tác giả: đậm đà chất trữ tình, đằm thắm, êm dịu, trong trẻo và tràn đầy chất thơ. Truyện đã thể hiện một cách xúc động tâm trạng hồi hộp, cảm giác bỡ ngỡ của nhân vật tôi, chú bé được mẹ đưa đến trường lần đầu tiên trong ngày tựu trường.

Bài 2

Thanh Tịnh được biết đến là cây bút truyện ngắn nhẹ nhàng, tinh tế mà sâu sắc. Những câu văn của ông đậm chất trữ tình, dạt dào thứ tình cảm trong sáng, đằm thắm. Nhắc đến Thanh Tịnh người ta sẽ nhớ đến trang văn “Tôi đi học”của ông. Truyện ngắn Tôi đi học được bố cục theo dòng hồi tưởng của nhân vật tôi, diễn tả cảm giác mới mẻ, trang trọng, tâm trạng náo nức, bỡ ngỡ của nhân vật “tôi” theo trình tự thời gian của buổi tựu trường đầu tiên. Truyện ngắn có giọng văn nhẹ nhàng, có sự kết hợp hài hòa giữa tự sự với miêu tả và biểu cảm.

Bài 3

Người ta thường nói, thời thơ ấu chính là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người bởi lúc đó, cuộc sống như một trang giấy trắng, chưa bị pha tạp với những lo âu bộn bề của cuộc sống, những xảo trá lừa lọc của đời người. Và hơn hết, ở đó có những kỷ niệm trong trẻo đáng nhớ thời học sinh, đặc biệt là những kí ức về ngày đầu tiên tới trường. Thanh Tịnh bằng giọng văn kể chuyện nhẹ nhàng, thủ thỉ đã tái hiện rõ nét, chân thực mà tinh tế những cảm xúc ấy qua dòng hồi tưởng của nhân vật trong truyện ngắn “Tôi đi học”.

Kết bài

Bài 1

Tôi đi học là dòng hồi ức về ngày tựu trường của tuổi ấu thơ, rất thơ và rất xúc động. Có lẽ đây không phải là ông viết văn, mà là những kỉ niệm của chính mình đã sống lại trong nhà văn, là một tiếng lòng man mác, bâng khuâng với những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường. Chính vì vậy, đã hơn 70 năm trôi qua, tác phẩm vẫn sống và còn sống mãi.

Bài 2

Với bố cục đặc biệt, câu văn ngôn từ cứ theo cảm xúc mà tiếp nối nhau tưởng chừng không có một quy luật cụ thể nào nhưng lại rất gọn gang, câu văn không thừa không thiếu mà vẫn giữ được mạch cảm xúc nối liền. Tất cả những điều đó cho ta thấy được tài năng kể chuyện của tác giả, một truyện ngắn dường như viết cho thiếu nhi nhưng lại phù hợp với tất cả mọi người.

Bài 3

Tác phẩm đã xây dựng một tình huống truyện thật đặc biệt – ngày đầu tiên đến trường với biết bao cảm xúc, tâm trạng về dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Kết cấu câu chuyện phù hợp: theo dòng hồi tưởng. Kết hợp linh hoạt các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm diễn tả đầy đủ và hợp lí các cung bậc cảm xúc nhân vật.

Tác phẩm đã thực sự làm sống dậy những cung bậc cảm xúc về ngày đầu tiên đến trường. Buổi tựu trường sẽ là kỉ niệm ghi dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng mỗi người. Đồng thời cũng nhận thấy vai trò, tầm quan trọng của giáo dục đối với thế hệ tương lai.

Tổng kết

Thông qua bài viết trên, congthuctoanlyhoa.com hi vọng bạn đã có thể nắm vững được những kiến thức trọng tâm của tác phẩm Tôi đi học do nhà văn Thanh Tịnh sáng tác. Qua đó, làm tốt những bài tập trên lớp và đọng lại những rung cảm riêng cho mình.

Viết một bình luận