[Vật Lý 7] Lý thuyết Gương cầu lồi hay, đầy đủ, chi tiết

Cùng congthuctoanlyhoa khám phá Lý thuyết Gương cầu lồi chi tiết, đầy đủ nhất 2023. Bài viết cung cấp cho các em cái nhìn sâu sắc về định nghĩa gương cầu lồi, ảnh của một vật tạo bởi gương cầu lồi, vùng nhìn thấy của gương cầu lồi, ứng dụng và phương pháp giải dạng bài tập của nó. Bài viết này sẽ hỗ trợ cho các em trong việc học tốt môn Vật lý lớp 7.

Gương cầu lồi

Lý thuyết Gương cầu lồi

1. Định nghĩa về gương cầu lồi

Gương cầu lồi là gương có mặt phản xạ là mặt ngoài của mặt cầu hướng về phía nguồn sáng.

Gương cầu lồi

2. Ảnh của một vật tạo bởi gương cầu lồi

– Ánh sáng đến gương cầu lồi phản xạ tuân theo định luật phản xạ ánh sáng.

– Khi chiếu một chùm sáng song song lên một gương cầu lồi, ta thu được một chùm sáng phản xạ có tính chất là chùm phân kì.

– Ảnh của một vật tạo bởi gương cầu lồi là ảnh ảo (không hứng được trên màn), nhỏ hơn vật.

3. Vùng nhìn thấy của gương cầu lồi 

– Khi đặt mắt trước một gương cầu lồi, mắt chỉ có thể nhìn thấy ảnh của những vật nằm trong một vùng nào đó trước gương. Vùng này được gọi là vùng nhìn thấy của gương cầu lồi.

– Vùng quan sát được trong gương cầu lồi rộng hay hẹp tùy thuộc vào kích thước của gương và vị trí đặt mắt trước gương.

– Với gương cầu lồi và gương phẳng cùng kích thước (cùng độ rộng) và cùng vị trí đặt mắt như nhau thì vùng quan sát được trong gương cầu lồi lớn hơn vùng quan sát được trong gương phẳng.

4. Ứng dụng

– Làm gương chiếu hậu xe ô tô, xe máy.

– Làm gương đặt ở bên đường tại những nơi đường gấp khúc có vật cản che khuất tầm nhìn của lái xe, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Sơ đồ tư duy về gương cầu lồi

Phương pháp giải Gương cầu lồi

1. Phân biệt gương cầu lồi và gương phẳng

Để phân biệt gương cầu lồi và gương phẳng ta dựa vào hình dạng, đặc điểm ảnh của vật tạo bởi gương phẳng và gương cầu lồi.

2. Vẽ ảnh của một điểm hoặc của một vật đặt trước gương cầu lồi

Mỗi điểm trên gương cầu lồi được coi như gương phẳng nhỏ. Do đó có thể áp dụng định luật phản xạ ánh sáng tại mỗi điểm trên gương cầu lồi để vẽ tia phản xạ tương ứng với mỗi tia tới.

3. Giải thích một số ứng dụng của gương cầu lồi

Dựa vào đặc điểm vùng nhìn thấy của gương cầu lồi rộng hơn vùng nhìn thấy của gương phẳng có cùng kích thước.

Lưu ý: Pháp tuyến tại mỗi điểm tới trên gương cầu lồi có đường kéo dài đi qua tâm mặt cầu (hình trên)

Bài tập về Gương cầu lồi

Bài 1: Hai viên phấn giống hệt nhau, viên thứ nhất đặt thẳng đứng trước gương phẳng, viên thứ hai đặt thẳng đứng trước gương cầu lồi, thu được hai ảnh. Quan sát hai ảnh và tìm từ thích hợp điền vào chỗ trống.

Ảnh tạo bởi gương cầu lồi……………..ảnh tạo bởi gương phẳng.

A. nhỏ hơn B. bằng

C. lớn hơn D. có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn

– Gương phẳng: Ảnh ảo và bằng vật.

– Gương cầu lồi: Ảnh ảo và nhỏ hơn vật.

⇒ Đáp án A đúng

Bài 2: Tại sao người ta không đặt gương phẳng mà lại đặt gương cầu lồi ở các khúc ngoặt trên đường?

A. Vì giá thành gương cầu lồi rẻ hơn

B. Vì gương phẳng dễ vỡ hơn so với gương cầu lồi

C. Vùng nhìn thấy của gương cầu lồi lớn hơn của gương phẳng

D. Cả A, B và C

Người ta thường đặt gương cầu lồi ở các khúc ngoặt trên đường vì vùng nhìn thấy của gương cầu lồi lớn hơn các loại gương khác. Qua đó giúp người lái xe có thể nhìn thấy các xe đi ngược chiều đằng trước khi bị che khuất tầm nhìn, giảm thiểu các tai nạn giao thông

⇒ Đáp án C đúng.

Bài 3: Gương cầu lồi có cấu tạo là:

A. mặt cầu phản xạ tốt ánh sáng, mặt phản xạ là mặt lồi.

B. mặt cầu phản xạ tốt ánh sáng, mặt phản xạ là mặt lõm.

C. mặt cầu lồi trong suốt.

D. mặt cầu lồi hấp thụ tốt ánh sáng.

Theo định nghĩa gương cầu lồi là mặt cầu phản xạ tốt ánh sáng, mặt phản xạ là mặt lồi

⇒ Đáp án A đúng.

Vậy là các em đã tìm hiểu xong bài học về Lý thuyết Gương cầu lồi. Mong các em sẽ học ngày càng tốt hơn nữa môn Vật Lý 7.

Viết một bình luận