Khái quát về muối – tính chất hóa học của muối
Khái niệm
Định nghĩa: “Phân tử muối gồm có một hay nhiều nguyên tử kim loại liên kết với một hay nhiều gốc axit”.
Có một định nghĩa chi tiết khác: “Muối là hợp chất khi tan trong nước phân li ra cation kim loại (hoặc cation NH4+) và anion gốc axit“.
Ví dụ như:
(NH4)2SO4 →2NH4+ + SO42-
NaHCO3 → Na+ + HCO3-
-
Công thức hóa học của muối gồm có 2 phần: Kim loại và gốc axit.
-
Một số muối thường gặp là: NaCl, NaNO3, CuSO4, NaHCO3…
Cách gọi tên các loại muối
– Muối là hợp chất, trong phân tử gồm hai phần: cation và anion.
Tên muối = tên cation + tên anion gốc axit.
Cation chia làm 2 trường hợp:
- Cation kim loại: Đọc tên nguyên tử nguyên tử kim loại. Nếu kim loại có nhiều hóa trị khác nhau thì thêm số La mã chỉ hóa trị của kim loại đặt trong dấu ngoặc (nếu kim loại chỉ có một hóa trị thì không cần).
- Cation muối gồm nhiều nguyên tử
Ví dụ: BiO+: bitmutyl; VO+: vanadyl (III); VO3+: vanadyl (V);
SO22+: sunfuryl (VI); PS3+: tiophotphoryl (V); UO22+: uranyl;
Anion cũng có 2 trường hợp:
- Nếu anion là gốc của hyđroaxit thì tên anion gốc axit được đọc: tên nguyên tố X (nếu gốc còn hyđro thì đọc hyđro rồi tên nguyên tố X) + đuôi ua (thay đuôi hyđric trong axit bằng đuôi ua, đối với những từ sau khi bỏ đuổi hidric mà còn là một nguyên tố âm O thì thêm “r” trước chữ ua cho dễ đọc.
- Nếu anion là gốc của oxi axit thì:
– Nếu trong axit có đuôi là ic thì gốc axit đổi ic thành at
– Nếu trong axit có đuôi ơ thì đổi thành it
Phân loại muối
Dựa vào thành phần, muối được chia làm 2 loại: Muối trung hòa và muối axit.
- Muối trung hòa: Là muối mà trong gốc axit không có nguyên tử hidro có thể thay thế bằng nguyên tử kim loại. Một cách định nghĩa nâng cao về muối trung hòa là muối mà anion gốc axit không còn hidro có khả năng phân li ra ion H+ (hidro có tính axit). Một số muối trung hòa phổ biến là: Na2CO3, Na2SO4.
- Muối axit: Muối axit là muối mà trong đó có gốc axit còn nguyên tử hidro H chưa được thay thế bằng nguyên tử kim loại. Hóa trị của gốc axit bằng số nguyên tử hidro đã được thay thế bằng nguyên tử kim loại. Một cách hiểu nâng cao hơn, nếu anion gốc axit của muối ăn vẫn còn hidro có khả năng phân li ra ion H+ thì muối đó được gọi là muối axit. Một số ví dụ về loại muối này là: NaH2PO4, NaHCO3, NaHSO4.
Tính chất hóa học của muối
Muối có thể đổi màu chất chỉ thị
Quỳ tím chuyển sang màu đỏ khi:
- Muối có tính axit;
- Khi kim loại yếu kết hợp với gốc axit mạnh.
Quỳ tím chuyển sang màu xanh khi:
- Muối có tính bazo mạnh hơn;
- Khi kim loại mạnh kết hợp với gốc axit yếu.
Quỳ tím không chuyển màu khi:
- Muối trung tính;
- Khi kim loại mạnh kết hợp với gốc axit mạnh hoặc tính chất của cả 2 ngang bằng nhau.
Tác dụng với kim loại tạo thành muối mới và kim loại mới
Một trong những tính chất hóa học của muối là tác dụng với kim loại. Muối khi tác dụng với kim loại sẽ tạo thành muối mới và kim loại mới. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể tạo thành kết quả như trên lý thuyết.
Phản ứng chỉ xảy ra trong điều kiện kim loại tham gia (trừ các kim loại tan trong nước như Na, K, Ba, Ca, Li) mạnh hơn kim loại trong hợp chất muối.
Để xác định tính mạnh yếu của kim loại, ta áp dụng dãy hoạt động hóa học của kim loại:
K > Na > Ca > Mg > Al > Zn > Fe > Ni > Sn > Pb > H > Cu > Hg > Ag > Pt > Au
Khi muối tác dụng với axit
Muối khi tác dụng với axit sẽ tạo thành axit mới và muối mới. Tuy nhiên, nếu thành phẩm của phản ứng khi tạo ra là axit yếu thì không thể tồn tại được mà sẽ tự chuyển hóa thành chất khác bền hơn.
Ví dụ minh họa:
- AgNO3 + HCl → AgCl ↓ + HNO3
- CaCO3 + 2HCl → CaCl2 + CO2↑ + H2O
Tác dụng với dung dịch bazơ tạo thành muối mới và bazơ mới
Một tính chất hóa học của muối khác là khả năng phản ứng với dung dịch bazơ (các bazơ tan) để tạo thành muối mới và bazơ mới. Ví dụ:
Na2CO3 + Ba(OH)2 → 2NaOH + BaCO3↓
NaOH + FeSO4 → Fe(OH)2 + Na2SO4
Tác dụng với dung dịch muối tạo thành 2 muối mới
Muối có khả năng tác dụng với dung dịch muối tạo thành 2 loại muối mới (sản phẩm có thể là dung dịch muối hoặc kết tủa muối). Điều kiện để phản ứng xảy ra:
- Muối tham gia phải tan.
- Sản phẩm tạo thành phải có chất kết tủa.
Ví dụ:
NaCl + AgNO3 → AgCl ↓+ NaNO3
Na2SO4 + BaCl2 → BaSO4↓ + 2NaCl
Phản ứng phân hủy muối
KClO3, KMnO4, CaCO3, là những loại muối dễ bị phân hủy ở nhiệt độ cao.
Ví dụ minh họa:
- 2KClO3 t0→ 2KCl + 3O2
- CaCO3 → CaO + CO2
Các phản ứng trao đổi trong dung dịch của muối
Đây là phản ứng hóa học mà trong đó 2 hợp chất tham gia trao đổi với nhau thành phần cấu tạo nên chúng để tạo ra những hợp chất mới.
Điều kiện để phản ứng trao đổi xảy ra
Phản ứng trao đổi trong hóa học chỉ có thể xảy ra khi sản phẩm tạo thành có chất không tan hoặc là chất khí.
Ví dụ:
- CuSO4 + 2NaOH → Na2SO4 + Cu(OH)2↓
- K2SO4 + NaOH: Phản ứng này không thể xảy ra.
Lưu ý: Phản ứng trung hòa cũng là loại phản ứng trao đổi và luôn xảy ra.
Ví dụ: H2SO4 + 2NaOH → Na2SO4 + 2H2O
Bài tập liên quan tính chất hóa học của muối
Trong chương trình Hóa học 9, các dạng toán liên quan đến tính chất hóa học của muối gồm những dạng sau đây:
Dạng 1: Bài tập lý thuyết về muối
Dạng bài này đòi hỏi phải nắm vững kiến thức về muối như tính chất hóa học của muối, các phản ứng xảy ra của muối,… Những nội dung này đã được trình bày ở trên, dưới đây là tóm tắt.
Tính chất hóa học của muối:
1. Tác dụng với kim loại tạo thành muối mới và kim loại mới.
2. Tác dụng với axit tạo thành muối mới và axit mới.
3. Hai dung dịch muối có thể tác dụng với nhau tạo thành hai muối mới.
4. Tác dụng với dung dịch bazơ tạo thành muối mới và bazơ mới.
5. Nhiều muối bị phân hủy ở nhiệt độ cao như: KClO3, KMnO4, CaCO3,…
Dạng 2: Bài toán về dung dịch axit tác dụng với muối
Axit + muối Muối mới => Muối mới + axit mới
Sản phẩm sau phản ứng phải có ít 1 chất là : chất kết tủa, chất khí hoặc nước.
VD: HCl + CaCO3 → CaCl2 + CO2 + H2O
Dạng 3: Bài toán về dung dịch bazo tác dụng với dung dịch muối
Dung dịch bazo + Dung dịch muối => Muối mới + Bazo mới
Điều kiện để xảy ra phản ứng là:
+ Chất tham gia phản ứng phải là chất tan
+ Sản phẩm phải có ít nhất 1 trong các loại chất sau: chất kết tủa, chất khí, hoặc nước.
Dạng 4: Bài toán về phản ứng giữa các dung dịch muối
Dung dịch muối 1 + Dung dịch muối 2 => 2 muối mới
Điều kiện để phản ứng có thể xảy ra được là:
+ Chất tham gia phản ứng phải tan
+ Sản phẩm phải có ít nhất 1 chất là: Chất kết tủa, chất khí hoặc nước
Dạng 5: Bài toán nhiệt phân muối
Một số muối có khả năng bị nhiệt phân khi gặp nhiệt độ cao
VD: KNO3 → KNO2 + ½ O2
CaCO3 → CaO + CO2
Tổng kết
Trên đây là toàn bộ lý thuyết về muối và các dạng toán liên quan đến tính chất hóa học của muối. Congthuctoanlyhoa hi vọng có thể giúp bạn dễ dàng hiểu và áp dụng được những kiến thức này để làm bài tập lẫn trong cuộc sống ngày thường.