Cùng congthuctoanlyhoa khám phá Lý thuyết Ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng chi tiết, đầy đủ nhất 2023. Bài viết cung cấp cho các em cái nhìn sâu sắc về Đặc điểm, tính chất ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng, sự tạo ảnh và phương pháp giải dạng bài tập của nó. Bài viết này sẽ hỗ trợ cho các em trong việc học tốt môn Vật lý lớp 7.
Lý thuyết Ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng
1. Đặc điểm ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng
Ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng có đặc điểm:
– Là ảnh ảo (không hứng được trên màn chắn).
– Có kích thước lớn bằng vật.
– Đối xứng với vật qua gương phẳng (tức là khoảng cách từ một điểm của vật đến gương phẳng bằng khoảng cách từ ảnh của điểm đó đến gương).
* Kính tiềm vọng: Là một dụng cụ dùng cho tàu ngầm để có thể quan sát được những vật đặt ở trên mặt nước.
2. Sự tạo ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng
Ảnh của một vật là tập hợp ảnh của tất cả các điểm trên vật
Ta nhìn thấy ảnh ảo mà không hứng được ảnh đó trên màn vì: các tia phản xạ lọt vào mắt có đường kéo dài đi qua ảnh .
Sơ đồ tư duy Ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng
Dạng bài tập Ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng
Cách vẽ ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng
* Muốn vẽ ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng ta vẽ ảnh của các điểm đặc biệt trên ảnh sau đó nối các điểm ảnh cho ta ảnh của vật.
* Muốn vẽ ảnh của một điểm ta dựa vào:
– Định luật phản xạ ánh sáng.
– Các tia sáng từ điểm sáng S tới gương phẳng cho tia phản xạ có đường kéo dài đi qua ảnh ảo S’.
Cách vẽ:
– Từ một điểm S ta vẽ hai tia tới mặt phẳng gương.
– Vẽ hai tia phản xạ tương ứng.
– Giao nhau của phần kéo dài hai tia phản xạ chính là ảnh S’ của S (hình a).
Lưu ý:
Nên chọn một tia tới đặc biệt là tia vuông góc với mặt phẳng gương cho tia phản xạ bật trở lại (hình b)
* Tính chất ảnh của vật qua gương phẳng
Cách vẽ: Chỉ cần lấy điểm đối xứng
– Ảnh S’ của S qua gương phẳng (hình c).
– Ảnh A’B’ của vật AB qua gương phẳng (hình d).
Giải bài tập Ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng
Bài 1: Chọn phát biểu đúng?
A. Ảnh của một vật qua gương phẳng luôn luôn nhỏ hơn vật.
B. Ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng có thể lớn hơn vật tùy thuộc vào vị trí đặt vật trước gương.
C. Nếu đặt màn ở một vị trí thích hợp, vật ở trước gương, ta có thể hứng được ảnh của vật tạo bởi gương phẳng.
D. Ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng luôn có kích thước bằng vật.
– Ảnh tạo bởi gương phẳng không hứng được trên màn chắn ⇒ Đáp án C sai.
– Ảnh tạo bởi gương phẳng lớn bằng vật
⇒ Đáp án A, B sai. Đáp án D đúng.
Bài 2: Một người cao 1,6m đứng trước gương phẳng, cho ảnh cách gương 1,5m. Hỏi người đó cách gương bao nhiêu?
A. 3m B. 3,2m C. 1,5m D. 1,6m
Ảnh và vật đối xứng nhau qua gương phẳng nên khoảng cách từ vật đến gương bằng khoảng cách từ ảnh đến gương. Vì vậy một người đứng trước gương phẳng cho ảnh cách gương 1,5m thì người đó cũng cách gương 1,5m
Vậy đáp án đúng là C.
Bài 3: Khi nào ta có thể nhìn thấy ảnh S’ của một điểm sáng S đặt trước gương phẳng?
A. Khi ảnh S’ ở phía trước mắt ta.
B. Khi S’ là nguồn sáng
C. Khi giữa mắt và ảnh S’ không có vật chắn sáng.
D. Khi mắt nhận được tia phản xạ của các tia tới xuất phát từ điểm sáng S.
– Để nhìn được vật thì tia sáng từ vật phát ra phải đi đến mắt người.
– Để nhìn được ảnh của vật qua gương, mắt phải nhận được tia phản xạ của các tia tới xuất phát từ điểm sáng S.
⇒ Đáp án đúng là D.
Vậy là các em đã tìm hiểu xong bài học về Lý thuyết Ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng. Mong các em sẽ học ngày càng tốt hơn nữa môn Vật Lý 7.