Ở bài trước chúng ta tìm hiểu về Nguyên tử trong Hóa học 8. Vậy tập hợp những nguyên tử cùng loại trong hóa học ta gọi là gì? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu bài học hôm nay để tìm đáp án nhé!
Nguyên tố hóa học là gì
Nguyên tố hóa học là tập hợp những nguyên tử cùng loại, có cùng số proton trong hạt nhân.
=> Số p là số đặc trưng cho một nguyên tố hóa học
=> Các nguyên tử thuộc cùng một nguyên tố hóa học đều có tính chất hóa học như nhau.
Kí hiệu hóa học
– Mỗi nguyên tố hóa học được biểu diễn bằng 1 hoặc 2 chữ cái, trong đó chữ cái đầu được viết ở dạng chữ in hoa gọi là kí hiệu hóa học.
– Cách viết kí hiệu hóa học:
+ Chữ cái thứ nhất viết in hoa. Ví dụ: Cacbon: C; hiđro: H; oxi: O
+ Chữ cái thứ hai (nếu có) viết in thường. Ví dụ: Fe; Na
Ví dụ: + Nguyên tố Natri được kí hiệu : Na
+ Nguyên tố Oxi được kí hiệu: O
– Theo quy ước, mỗi kí hiệu của nguyên tố còn chỉ 1 nguyên tử nguyên tố đó
Ví dụ: muốn chỉ hai nguyên tử hiđro viết 2 H.
Đơn vị cacbon
Theo quy ước, người ta lấy 1/12 khối lượng của một nguyên tử C làm đơn vị khối lượng nguyên tử, gọi là đơn vị cacbon(đvC).
Ta có khối lượng của 1 nguyên tử C bằng 1,9926.10-23 gam
Nguyên tử khối
– Nguyên tử có khối lượng vô cùng nhỏ bé, nếu tính bằng gam thì số quá nhỏ và không tiện sử dụng.
Ví dụ: khối lượng của 1 nguyên tử C bằng 1,9926.10-23 gam (số nhỏ và cồng kềnh gây khó khăn cho việc tính toán)
1 đvC = 1/12 khối lượng nguyên tử C
Ví dụ:
C = 12 đvC
H = 1 đvC
O = 16 đvC
Ca = 40 đvC
=> Nguyên tử khối là khối lượng của 1 nguyên tử tính bằng đơn vị cacbon.
– Mỗi nguyên tố có nguyên tử khối riêng biệt.
* Cách ghi nhớ nguyên tử khối: Mỗi ngày học thuộc 5 nguyên tố trong bảng
Có bao nhiêu nguyên tố hóa học
– Có trên 110 nguyên tố (trong đó có 92 nguyên tố tự nhiên, còn lại là các nguyên tố nhân tạo, được tổng hợp từ phòng thí nghiệm).
– Năm 2016 có thêm 4 nguyên tố mới có tên gọi tạm thời là unutri, ununpenti, ununseptium và ununoctium. Một nhóm nghiên cứu Nga – Mỹ đã cùng phát hiện ra nguyên tố 115, 117 và 118, trong khi các nhà nghiên cứu Nhật Bản khám phá ra nguyên tố 113.
– Các nguyên tố tự nhiên có trong vỏ Trái đất không đồng đều: Oxi là nguyên tố phổ biến nhất, chiếm 49,4% về khối lượng, sau đó là silic (25,8%),…
Bảng một số nguyên tố hóa học thường gặp
Trong chương trình Hóa học 8, ta thường gặp các nguyên tố hóa học trong bảng dưới đây:
Các bạn hãy học thuộc các nguyên tố hóa học thường gặp trong bảng để áp dụng làm bài tập môn Hóa học nhé!
Bài tập nguyên tố hóa học
Bài 1: Nguyên tử X nặng gấp hai lần nguyên tử nitơ. Tính nguyên tử khối của X và cho biết X thuộc nguyên tố nào ? Viết kí hiệu hóa học của nguyên tố đó? (xem bảng 1 – trang 42 – SGK).
Hướng dẫn:
Nguyên tử khối của N = 14 đvC
Do nguyên tử X nặng gấp hai lần nguyên tử nitơ nên nguyên tử khối của X là: 2.14 = 28 (đvC)
Nguyên tử X có nguyên tử khối bằng 28. Vậy nguyên tử X là Silic.
Kí hiệu hóa học là Si.
Bài 2:
a. Theo giá trị khối lượng tính bằng gam của nguyên tử cacbon cho trong bài học, hãy tính xem một đơn vị cacbon tương ứng với bao nhiêu gam.
b. Khối lượng tính bằng gam của nguyên tử nhôm là bao nhiêu?
Hướng dẫn:
a. Khối lượng của một nguyên tử cacbon bằng: 1,9926.10-23 (g) = 12 đvC
=> Khối lượng của 1 đơn vị cacbon là:
1 đvC = (1,9926.10−23 )/ 12≈ 1,66.10-24 (g)
b. Khối lượng tính bằng gam của nguyên tử nhôm là:
Nhân số trị nguyên tử khối của nhôm với số gam tương ứng của một đơn vị cacbon.
mAl = 27 đvC = 27. 1,66.10-24 = 4,482.10-23 (g)
Bài 3: Hãy dùng chữ số và kí hiệu hóa học diễn đạt các ý sau:
a. Ba nguyên tử natri
b. Tám nguyên tử chì
c. Năm nguyên tử nitơ
Hướng dẫn:
a. Ba nguyên tử natri: 3Na
b. Tám nguyên tử chì: 8Pb
c. Năm nguyên tử nitơ 5N
Tổng kết
Chúng ta đã tìm hiểu xong nội dung bài học Nguyên tố hóa học. Đây là kiến thức quan trọng ở phần mở đầu của Hóa học 8 nên Công Thức Toán Lý Hóa mong các bạn hãy luyện tập thật nhiều để tiến bộ hơn nữa nhé!