Vào phủ chúa Trịnh là văn bản mở đầu cho chương trình Ngữ văn lớp 11 của tác giả Lê Hữu Trác. Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu đoạn trích này để hiểu hơn về giá trị nghệ thuật và nội dung nhé!
Bạn đang xem bài viết: Soạn bài Vào phủ chúa Trịnh
Mục Lục
Giới thiệu tác giả, đoạn trích
Tác giả Lê Hữu Trác
Lê Hữu Trác (1724 – 1791), quê ở trấn Hải Dương, là người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng (nay thuộc tỉnh Hưng Yên).
Ông còn được người đời biết đến với hiệu Hải Thượng Lãn Ông, là một danh y xuất sắc trong thời trung đại Việt Nam, có tấm lòng nhân hậu và tài năng y thuật nể phục. Ông còn là một nhà văn, nhà thơ có những đóng góp cho nền văn học nước nhà.
Bộ 66 quyển “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” chính là công trình cả một đời, được xem là nhật ký của tác giả.
Tác phẩm
Tác phẩm “Thượng kinh kí sự” là tập kí sự bằng chữ Hán, được hoàn thành vào năm 1783, được xếp ở phần cuối của công trình “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”. Tác phẩm được viết bằng chữ Hán.
Thể loại: Kí sự. Kí sự là một thể kí, ghi chép lại những sự việc, những câu chuyện có thật và tương đối hoàn chỉnh.
Nội dung của tập kí sự: nói về những điều tai nghe mắt thấy của Lê Hữu Trác khi nhận lệnh vào kinh chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán, khi ông đang sống cuộc sống thanh nhàn ở chốn Hương Sơn. Chuyến đi kéo dài khoảng 9 tháng 20 ngày. Trong hành trình ấy, ông đã ghi lại quang cảnh kinh đô, đặc biệt là cuộc sống giàu sang, xa hoa của chúa Trịnh và tái hiện qua tác phẩm. Qua đó, ta cũng thấy được thái độ không màng danh lợi của tác giả.
Tóm tắt văn bản
Để hiểu nội dung chính của tác phẩm một cách nhanh nhất, các bạn có thể tham khảo đoạn tóm tắt văn Vào phủ chúa Trịnh như sau:
Tác phẩm xoay quanh nhân vật là Lê Hữu Trác – một thầy lang nhận lệnh vào phủ chúa Trịnh để chữa bệnh cho Trịnh Cán. Bức tranh hiện thực nơi phủ chúa hiện qua con mắt của Lê Hữu Trác rất xa hoa, nhưng cũng không kém phần tù túng và ngột ngạt đối với ông. Đường đi đến nơi ở của thế tử đi qua nhiều lần cửa, xung quanh cây cối um tùm, hành lang quanh co, những căn phòng cao rộng, có nhiều đồ thếp vàng, màn gấm và nhiều thứ quý giá khác. Nhiệm vụ của ông là bắt mạch, tìm bệnh cho Trịnh Cán, chẩn đoán là do ở chốn này màn che trướng phủ, ăn quá no, mặc quá ấm nên tạng phủ yếu, tinh khí khô hết, da mặt khô, rốn lồi to, gân xanh và tay chân gầy gò. Sau khi kê đúng đơn thuốc, Lê Hữu Trác đã từ giã về quê chờ thánh chỉ.
Xem thêm: [Ngữ văn 11] Tự tình Hồ Xuân Hương – bài soạn mới nhất chuẩn SGK
Đọc – hiểu văn bản
Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn văn bản vào phủ chúa Trịnh của chương trình Ngữ văn lớp 11 để cảm nhận được giá trị đích thực của tác phẩm nổi nổi tiếng này.
1. Cuộc sống trong phủ chúa Trịnh
a. Quang cảnh phủ chúa Trịnh
*Bên ngoài:
- Theo như tác giả miêu tả, phủ chúa được xây dựng uy nghi, mỹ lệ.
- Muốn vào phải đi qua nhiều lần cửa, ““những dãy hành lang quanh co nối nhau liên tiếp”, mỗi cửa đều có lính canh gác, có điếm “Hậu mã quân túc trực”.
- Cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, gió đưa thoang thoảng mùi hương.
*Bên trong:
- “những đồ đạc nhân gian chưa từng thấy”, đồ nghị trượng sơn son thếp vàng
- Đến nội cung thế tử phải qua năm, sáu lần trướng gấm, ghế bày nệm gấm.
=> Cách trang trí phủ chúa được đầu tư cẩn trọng, thực sự xa hoa, lộng lẫy, thể hiện quyền uy của nhà chúa.
b. Cung cách sinh hoạt
- Nhiều nghi lễ: Khi vào phủ phải có tên đầy tờ chạy trước hét đường, “người giữ cửa thì truyền báo rộn ràng, người có việc qua lại như mắc cửi”.
- Lời lẽ nhắc đến chúa và thế tử phải hết sức cung kính “Thánh thượng đang ngự ở đấy”, “chưa thể yết kiến”, “hầu mạch Đông Cung thế tử”, “hầu trà”… Chúa Trịnh luôn có “phi tần chầu trực”. Thầy thuốc vào cũng không được thấy mặt chúa.
- Xung quanh thế từ có đến bảy tám thầy thuốc phục dịch và còn có “mấy người đứng hầu hai bên”. Mặc dù thế từ chỉ là một đứa bé nhưng người thầy thuốc đã là cụ già cũng phải quỳ lạy bốn lạy trước và sau khi xem bệnh.
=> Tái hiện giá trị hiện thực: một cuộc sống quá đỗi xa hoa, uy quyền không đâu sánh bằng.
2. Suy nghĩ của tác giả
Tác giả đã tận mắt chứng kiến quang cảnh, cung cách sinh hoạt khác xa với cuộc sống đời thường của nhân gian. Đó là sự cảm nhận không khí ngột ngạt, tù túng ở chốn cao sang này. Và chắc chắn, ông không muốn ở lại đây quá lâu để tận hưởng bầu không khí này.
3. Tài năng, y đức của tác giả
a. Là một thầy thuốc tài năng
Thái độ của tác giả khi khám bệnh cho thế tử: biết được nguyên do của căn bệnh và thẳng thắn kết luận, đưa ra những kiến giải hợp lý, có cách chữa bệnh chuẩn chỉnh.
Tuy nhiên ban đầu trong lòng tác giả cũng có những mâu thuẫn nhất định:
+ Hiểu chính xác căn bệnh, biết cách chữa trị nhưng lo sợ chữa bệnh có hiệu quả ngay sẽ được chúa tin dùng, bị công danh trói buộc ở chốn xa hoa, mất tự do này.
+ Muốn chữa cầm chừng nhưng lại sợ trái với lương tâm, y đức, sợ phụ lòng cha ông, không phải là điều mà ông hướng đến.
=> Và chắc chắn, một người tài đức như ông đã thẳng thắn mà làm tròn trách nhiệm.
b. Là một thầy thuốc có ý đức.
Xem thường danh lợi, chỉ thích nếp sống thanh đạm, tự do, không muốn dính dáng đến thói quen sống quyền uy như ở phủ chúa.
=> Lựa chọn sống ẩn dật, “lánh đục tìm trong” để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh của một người thày thuốc y đức.
=> Nhân cách cao quý của tác giả => Chính vì vậy, ông sống không hổ thẹn với đời, được người người yêu mến, quý trọng, nhớ đến cả tài năng và nhân phẩm cao quý, lưu truyền đến nhiều đời sau.
c. Một tác giả văn học tài giỏi
Bên cạnh là một thầy thuốc y đức, Lê Hữu Trác còn là một nhà văn tài giỏi với cách quan sát tỉ mỉ, miêu tả sinh động, tái hiện những hình ảnh chân thực. Qua những chi tiết miêu tả của mình, tác giả còn khép léo để độc giả cảm nhận được suy nghĩ, thái độ của ông đối với đời sống xung quanh.
Giá trị nghệ thuật
Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh Ngữ văn lớp 11:
– Thể loại kí sự kết hợp văn xuôi và thơ làm tăng chất trữ tình cho tác phẩm
– Khả năng quan sát tỉ mỉ, miêu tả và ghi chép chân thực ( quang cảnh, cung cách sinh hoạt nơi phủ chúa Trịnh được tác giả tái hiện rõ nét, giúp người đọc hình dung ra một cuộc sống cực kỳ lộng lẫy, xa hóa, quyền uy tột đỉnh, nhân gian không thể sánh bằng và cũng khó có thể tưởng tượng được).
– Nghệ thuật tả cảnh sinh động;
– Tái hiện diễn biến sự việc một cách khéo léo, lôi cuốn sự chú ý của độc giả.
Giá trị nội dung
Về giá trị nội dung, đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh thể hiện thái độ không đồng tình của tác giả trước cuộc sống xa hoa, lộng lẫy, hưởng thụ cực điểm nơi phủ chúa. Bên cạnh đó, tác phẩm cũng tái hiện một người thầy thuốc tài đức vẹn toàn sống không hổ thẹn với đời, không màng danh lợi, quyết về ở ẩn, hưởng thụ cuộc sống nhân gian tự do, thanh bình.
Một số đề bài luyện tập về tác phẩm Vào phủ chúa Trịnh
Sau khi tìm hiểu đoạn trích, cùng các giá trị nghệ thuật, nội dung, các bạn có thể luyện tập với các đề bài dưới đây để nâng cao khả năng phân tích, cảm nhận tác phẩm:
Đề 1: Phân tích bút pháp kí sự của Lê Hữu Trác qua đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh
Đề 2: Phân tích giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh – tác giả Lê Hữu Trác
Đề 3: Nêu cảm nhận về tác giả Lê Hữu Trác qua đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh
Tổng kết
Như vậy, bài viết vừa rồi của Công Thức Toán Lý Hóa đã phân tích cụ thể về văn bản Vào phủ chúa Trịnh của tác giả Lê Hữu Trác. Hy vọng các bạn đã nắm rõ được nội dung tác phẩm, chúc các bạn học tốt!