Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận là một trong những bài thơ hay của chương trình Ngữ văn lớp 9. Bài viết này bao gồm phần hướng dẫn phân tích Đoàn thuyền đánh cá, dàn ý phân tích, và các mở bài, kết bài hay cho tác phẩm. Mời các bạn học sinh cùng đọc với CôngThứcToánLýHoá.
Phân tích đề bài thơ Đoàn thuyền đánh cá
– Yêu cầu đề bài: Phân tích nội dung, nghệ thuật, các chi tiết trong tác phẩm nhằm làm sáng tỏ những tư tưởng tác giả gửi gắm và giá trị của tác phẩm
– Phương pháp làm bài: sử dụng thao tác phân tích
Các luận điểm chính cần triển khai
Luận điểm 1: Cảnh ra khơi và tâm trạng náo nức của con người
Luận điểm 2: Cảnh đoàn thuyền đánh trên biển
Luận điểm 3: Cảnh đoàn thuyền trở về trong buổi bình minh
Dàn ý phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá
Dàn ý chi tiết cho tác phẩm
1. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả Huy Cận và tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá
– Khẳng định tác phẩm là khúc tráng ca, ca ngợi con người lao động với tinh thần làm chủ, với niềm vui”
2. Thân bài:
Khái quát chung về bài thơ Đoàn thuyền đánh cá
– Nêu về hoàn cảnh sáng tác bài thơ Đoàn thuyền đánh cá
– Giải thích ý kiến:
- Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá trở thành khúc tráng ca khi nhịp điệu cộng với sự xuất hiện nhiều từ “hát” giống như khúc ca hào hùng về lao động
- Nhận xét của Huy Cận chính là cảm hứng chủ đạo khiến tác giả viết nên bài thơ: ca ngợi con người lao động mới trên hai đặc điểm: tinh thần làm chủ và tràn đầy niềm vui ( đây là luồng gió mới trong phong cách sáng tác thời kỳ miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa)
Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá
– Ý nghĩa nhan đề bài thơ thể hiện cảm hứng chủ đạo của tác phẩm về những người lao động trong thời kì xây dựng xã hội chủ nghĩa.
– Khúc tráng ca về con người lao động thể hiện theo chiều dài hành trình của chuyến ra khơi
– Cảnh con người lạc quan, vui vẻ, hăng say khi ra khơi
- Đoàn thuyền ra khơi trong cảnh hoàng hôn huy hoàng, tráng lệ, giàu sức sống
- Cảnh biển vào đêm đẹp, kì vĩ, tráng lệ như thần thoại đồng thời gợi được sự thân quen gần gũi như ngôi nhà đối với người dân chài lưới
- Giữa lúc vũ trụ chuyển vào nghỉ ngơi thì con người bắt đầu ra khơi lao động : “Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi/ Câu hát căng buồm cùng gió khơi”
- Ở đây tác giả tả khí thế của đoàn thuyền ra khơi kết hợp với động từ “lại” diễn tả công việc lao động hằng ngày đầy hứng khởi
→ Khí thế phơi phới, mạnh mẽ của người lao động trên biển làm chủ cuộc đời đang chinh phục biển khơi
– Sự giàu có và trù phú của biển cả
- Sự giàu có, quý giá được thể hiện qua các từ ngữ “cá bạc”, ‘đoàn thoi”
- Cách sử dụng những hình ảnh so sánh nhân hóa tinh tế (phân tích từ “dệt”, biện pháp so sánh trong câu “Cá thu biển Đông như đoàn thoi”
- Từ “ta” diễn tả tâm thế tự hào không còn là cái “tôi” nhỏ bé trước biển cả bao la
→ Cảnh ra khơi huy hoàng đầy khí thế hứa hẹn
– Niềm cảm hứng say sưa, bài ca lao động vui tươi, khỏe khoắn ngợi ca cảnh đánh cá trên biển.
- Hình ảnh con thuyền lướt đi trên mặt biển bao la với cái nhìn của nhà thơ đã trở nên kì vĩ, lớn lao, sánh ngang tầm vũ trụ
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
- Con thuyền đặc biệt, có sự hòa quyện với tự nhiên, biển trời
- Con thuyền băng băng lướt sóng “giò bụng biển” – hình ảnh đẹp, kỳ ảo, diễn tả hoạt động đánh cá như một thế trận hào hùng → gợi ra sự khéo léo, tâm hồn phóng khoáng khi chinh phục biển cả
– Cảm nhận về vẻ đẹp và sự đa dạng của các loài cá quý
- Tác giả liệt kê tên các loại cá ở biển như cá nhụ, cá chim, cá đé… những loại cá mang giá trị kinh tế
- Biển không chỉ giàu mà còn đẹp thơ mộng: màu sắc lấp lánh của muôn loài cá (lấp lánh, đen hồng, vàng chóe) tất cả tạo nên tổng thể bức tranh sơn mài tuyệt đẹp của tạo hóa
- Đêm ở biển được miêu tả sống động, mang hơi thở của cuộc sống (tiếng sóng nước hòa với nhịp gõ thuyền, hòa với sự khoáng đạt của trời cao biển rộng)
→ Như vậy tầm vóc của người và đoàn thuyền được nâng lên, hòa nhập vào kích thước của thiên nhiên, vũ trụ. Không còn cảm giác cô đơn, nhỏ bé của con người khi đối diện với trời rộng, sông dài trong thơ Huy Cận
– Khúc hát vui tươi trong lao động được cất lên
- “Ta hát bài ca gọi cá vào”: gợi niềm vui, sự phấn chấn trong lao động
- “Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao”: gợi cảm nhận chất thơ bay bổng, lãng mạn
→ Những hình ảnh lãng mạn, giàu chất thơ làm cho công việc vốn nặng nhọc, vất vả như nghề ra khơi trở nên rộn rã, thi vị hơn
– Khúc khải hoàn ca trong sau một ngày ra khơi vất vả.
- Cảnh đoàn thuyền trở về tráng lệ trong bình minh lộng lẫy, rực rỡ “đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”
- Câu hát theo suốt hành trình của người dân chài, từ khi ra khơi cho tới khi về nhằm nhấn mạnh niềm vui lao động làm giàu quê hương.
- Hình ảnh mặt trời lặp lại báo hiệu một sự hồi sinh, niềm vui, hạnh phúc chào đón những người hùng của biển cả trở về
- Đoàn thuyền là một hoán dụ chỉ người dân chài trong tư thế sánh ngang với tự nhiên, thậm chí trong cuộc chạy đua với thiên nhiên họ đã chiến thắng
- Hình ảnh “mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi” là niềm vui khi được mùa cá, niềm tin hy vọng và chiến thắng vinh quang của người lao động
3. Kết bài:
– Bài thơ thể hiện niềm lạc quan, vui tươi của người lao động và hồn thơ phơi phới, tình yêu cuộc sống của tác giả trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội.
– Âm điệu bài thơ như khúc hát mê say, phóng khoáng ngợi ca cuộc sống, tinh thần lao động của những người con của biển.
Mở bài Đoàn thuyền đánh cá – Cơ bản đến Nâng cao
Mẫu 1:
Nhắc đến phong trào thơ mới không thể không nhắc tới nhà thơ Huy Cận. Trong suốt cuộc đời làm thơ của mình, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm hay như Vũ trụ ca, Lửa thiêng. Giọng thơ của Huy Cận có sự biến chuyển theo thời cuộc và mang hơi thở của cuộc sống. Năm 1958, ông đã sáng tác bài thơ Đoàn thuyền đánh cá khi đang tham gia chuyến thực tế dài ngày ở Hòn Gai. Bài thơ nằm trong tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng” và tiêu biểu cho thơ ca hiện đại Việt Nam.
Mẫu 2:
Nếu trước Cách mạng Tháng 8, Huy Cận mang một hồn thơ của cái tôi ảo não sầu bi – “một mạch sầu ngàn năm ngấm ngầm trong cõi đất này” (Hoài Thanh) thì sau cách mạng tháng 8, Huy Cận hướng ngòi bút đến sự hòa hợp riêng – chung, biểu hiện niềm vui và sự hòa nhập với cuộc đời mới. Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” được sáng tác vào năm 1958, trong hoàn cảnh miền Bắc nước ta đã được giải phóng và đang từng bước xây dựng Chủ nghĩa xã hội, xây dựng cuộc sống mới trong không khí hào hứng, phấn khởi. Bên cạnh bức tranh thiên nhiên vùng biển đẹp, trù phú, thơ mộng thì bài thơ còn khắc họa thành công hình ảnh người ngư dân lao động đánh bắt cá chứa chan sức sống, khỏe khoắn, tươi vui tràn đầy tinh thần hăng say trong công việc.
Mẫu 3:
Cách mạng tháng Tám thắng lợi không chỉ mang lại sự khởi sắc trong mọi mặt đời sống xã hội mà còn mang đến hơi thở mới trong cảm hứng thơ ca của những người nghệ sĩ. Huy Cận trước cách mạng đã viết bài thơ “Tràng giang” u ám nỗi buồn:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng”
Thế nhưng sau cách mạng thơ của Huy Cận lại bừng sáng, tươi mới và đầy sức sống, tất cả là nhờ có chuyến đi thực tế tại vùng biển Quảng Ninh. Tại đây Huy Cận được hoà vào nhịp sống phấn khởi, hăng say lao động của những ngư dân để rồi viết nên bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” như một bài ca về cuộc đời.
Kết bài Đoàn thuyền đánh cá – Cơ bản đến Nâng cao
Mẫu 1 – phân tích Đoàn thuyền đánh cá:
Không chỉ ca ngợi những con người biết làm chủ cuộc đời, làm chủ biển cả, làm chủ thiên nhiên và tài nguyên đất nước, “Đoàn thuyền đánh cá” còn là một bản hùng ca thể hiện sự tự hào về quê hương với biển cả bao la, giàu có và đẹp đẽ. Miêu tả một cảnh lao động trong đêm nhưng lại đầy ánh sáng, lời ca giữa không gian bao la rộng lớn như tác giả đã từng nhận định: “thiên nhiên đã vận động theo một vòng quay của mặt trời và con người đã hoàn thành trách nhiệm của mình trong lao động. Không có gì vui bằng lao động có hiệu quả”.
Mẫu 2 – bài thơ Đoàn thuyền đánh cá:
Đoàn thuyền đánh cá đã tái hiện thành công vẻ đẹp trù phú của biển cả quê hương và cuộc sống lao động đầy hăng say của nhân dân trong thời kì mới. Qua đó tác giả khẳng định sự hồi sinh của thiên nhiên, đất nước và con người sau chiến tranh, họ đứng lên xây dựng cuộc sống mới, ấm no, hạnh phúc. Với cách sử dụng màu sắc, với cách vận dụng các thử pháp nghệ thuật như ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa và thậm xưng. Huy Cận đã sáng tạo nhiều hình ảnh đẹp, đầy ý nghĩa. Một không gian tráng lệ tràn ngập niềm vui câu hát. Một rạng đông trên biển và một rạng đông trong lòng người vì “đất nở hoa” và “biển đang hát”…
Mẫu 3:
Thành công của bài thơ còn ở việc Huy Cận xây dựng hình ảnh bằng liên tưởng, tưởng tượng phong phú, độc đáo; có âm hưởng khỏe khoắn, hào hùng, lạc quan của người lao động. Thông qua việc miêu tả cảnh lao động đánh cá của người ngư dân vùng biển Hạ Long, bài thơ Đoàn thuyền đánh các ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, sự giàu có của biển khơi; ngợi ca khí thế lao động hăng say, yêu đời của người lao động mới đã được giải phóng, đang làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời và đất nước:
“Tập làm chủ, tập làm người xây dựng
Dám vươn mình cai quản lại thiên nhiên!”
(Tố Hữu)
Tổng kết
Công thức Toán Lý Hóa gửi đến các bạn bài phân tích Đoàn thuyền đánh cá bao gồm hướng dẫn phân tích, dàn ý chi tiết, và các mở bài, kết bài hay. Hy vọng nó sẽ giúp các bạn chinh phục được tác phẩm và viết nên những bài phân tích sâu sắc.