Chuyển động cơ học là bài học mở đầu cho chương trình Vật lý 8. Hôm nay, congthuctoanlyhoa sẽ giới thiệu về khái niệm mới này và giúp các em biết được các dạng chuyển động của sự vật. Cùng bắt tay vào học ngay thôi nào!
Chuyển động cơ học là gì
Sự thay đổi vị trí của một vật theo thời gian so với vật khác (vật mốc) gọi là chuyển động cơ học (gọi tắt là chuyển động).
Một vật được coi là đứng yên khi vị trí của vật đó không thay đổi theo thời gian so với vật khác.
Làm sao để biết được một vật chuyển động hay đứng yên
Sau đây là một số lưu ý khi chúng ta muốn xác định một vật chuyển động hay đứng yên trong chương trình Vật lý 8:
– Muốn nhận biết một vật chuyển động hay đứng yên, ta phải dựa vào vị trí của vật đo so với vật được chọn làm mốc (vật mốc). Vật mốc là những vật gắn với trái đất, nhà cửa, cột mốc, cây bên đường.
– Khi vị trí của vật so với vật mốc thay đổi theo thời gian thì khi vật chuyển động so với vật mốc gọi là chuyển động cơ học (chuyển động).
– Vật không chuyển động so với vật mốc là vật đứng yên.
– Thường chọn Trái Đất và những vật gắn với Trái Đất là vật mốc
Tính tương đối của chuyển động
– Một vật có thể là chuyển động so với vật này nhưng lại là đứng yên đối với vật khác
– Chuyển động hay đứng yên có tính tương đối tùy thuộc vật được chọn làm mốc
Các dạng chuyển động thường gặp
– Đường mà vật chuyển động vạch ra gọi là quỹ đạo của chuyển động.
– Tuỳ thuộc vào hình dạng của quỹ đạo mà ta chia ra các dạng chuyển động: chuyển động thẳng, chuyển động cong và chuyển động tròn.
+ Chuyển động thẳng: quỹ đạo là đường thẳng
+ Chuyển động cong: quỹ đạo là đường cong
+ Chuyển động tròn: quỹ đạo là đường tròn.
Ví dụ:
Chuyển động thẳng: Chuyển động của tia sáng đi trong không khí
Chuyển động cong: Chuyển động của xe đạp đi từ nhà đến trường
Chuyển động tròn: Chuyển động của cánh quạt quay.
Phương pháp giải bài tập chuyển động cơ học
Chuyển động cơ học
Khi nói vật này chuyển động hay đứng yên thì phải nói so với vật (làm mốc) nào?
Vậy muốn biết vật A chuyển động hay đứng yên so với vật B thì ta phải xem xét vị trí của vật A so với vật B. Nếu:
– Vị trí của vật A so với vật B có thay đổi theo thời gian thì ta nói vật A chuyển động so với vật B.
– Vị trí của vật A so với vật B không thay đổi theo thời gian thì ta nói vật A đứng yên so với vật B.
Tính tương đối của chuyển động
Để chứng minh chuyển động hay đứng yên mang tính tương đối thì ta phải chọn ra ít nhất 3 vật: vật A, vật B và vật C. Sao cho vật A chuyển động so với vật B nhưng lại đứng yên so với vật C.
Bài tập ví dụ về chuyển động cơ học
Bài 1: Tìm thêm ví dụ về chuyển động thẳng, chuyển động cong, chuyển động tròn thường gặp trong đời sống.
Hướng dẫn:
Ví dụ về các chuyển động:
– Chuyển động thẳng: chuyển động của một hòn đá được thả từ điểm cách mặt đất 1m.
– Chuyển động cong: chuyển động cong của quả cầu lông khi đánh, chuyển động của quả bóng rổ khi được ném vào rổ từ xa.
– Chuyển động tròn: chuyển động của các điểm trên cánh quạt khi quạt quay, điểm ở đầu kim đồng hồ, …
Bài 2: So với nhà ga thì hành khách chuyển động hay đứng yên? Tại sao?
Hướng dẫn:
Ta có: Vật đứng yên khi vị trí của vật so với vật mốc không đổi theo thời gian.
So với nhà ga thì hành khách đang chuyển động vì vị trí của hành khách thay đổi so với nhà ga.
Bài 3: Mặt Trời mọc đằng Đông, lặn đằng Tây. Như vậy có phải Mặt Trời chuyển động còn Trái Đất đứng yên không ?
Hướng dẫn:
Không thể kết luận được vì nó tùy thuộc vào vật làm mốc:
– Nếu chọn Trái Đất là vật làm mốc thì Mặt Trời chuyển động từ đông sang tây.
– Nếu chọn Mặt Trời là vật làm mốc thì Trái Đất chuyển động xoay từ tây sang đông.
Tổng kết
Như vậy, chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu nội dung liên quan đến bài học Chuyển động cơ học. Công Thức Toán Lý Hóa hy vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn hiểu rõ được các tính chất để ứng dụng giải các bài tập liên quan. Chúc các bạn học tập thật tốt!